Hành vi Chim ruồi họng xanh

Là một loài Trung và Nam Mỹ, chim ruồi họng xanh không có những chuyến di trú lớn như những loài chim ruồi phía bắc như loài chim ruồi họng đỏ.[3] Tuy nhiên, chúng có thể phân tán theo độ cao do thay đổi trong môi trường sống.[3] Chúng sống riêng lẻ chứ không tụ tập hay di trú theo đàn.[11] Trong lúc bay, chim ruồi có tốc độ trao đổi chất thuộc vào hàng cao nhất do đó cần lượng thức ăn (mật hoa) lớn hơn khối lượng cơ thể mỗi ngày để cung cấp đủ năng lượng.[14] Không như những loài chim khác, chim ruồi không đập cánh xuống dưới mà lên trên, giống với cách côn trùng bay.[15]

Sinh sản

Tán tỉnh

Chim ruồi cổ xanh là một loài đa thê, và sống đơn lẻ cho đến khi cần sinh sản. Thông thường, chỉ có con đực mới lăng nhăng với nhiều con cái, tuy nhiên đôi khi con cái cũng giao phối với nhiều con đực. Để lấy được sự chú ý của con cái, con đực thực hiện màn tán tỉnh bằng cách bay theo hình chữ U cho con cái. Khi con cái chấp nhận con đực và hoàn thành giao hợp, con đực tách ra và rời khỏi con cái.[11] Con đực chỉ tham gia vào việc giao phối mà không quan tâm đến việc tìm chỗ và xây tổ hay nuôi con.[11]

Xây tổ và ấp trứng

Sau giao hợp, chim ruồi cái chọn địa điểm xây tổ, thường là trong bụi rậm hoặc trên cành cây. Ở một nhánh cây thấp nhỏ, con cái làm tổ theo hình một cái ly bằng sợi xơ của cuộn lại với nhau, phủ trong rêu để ngụy trang. Nhằm tăng sức bền và khả năng co giãn, con cái còn bỏ thêm những sợi xơ thực vật mỏng, lông động vật và lông nhung vào trong tổ, rồi gia cố bằng mạng nhện và những vật liệu dính khác.[11] Nhìn chung tổ chim nhỏ và sâu.[6]

Trứng

Do có thân bé, chim ruồi họng xanh chỉ đẻ trung bình hai trứng mỗi lần.[11] Sau khi ấp từ 15 đến 16 ngày, những con non chào đời mà không có lông nhung và không thể nhìn hay bay.[6][11] Nhìn chung, chim non mất từ 19 đến 22 ngày mới biết bay.[6] Do con đực không hỗ trợ trong việc nuôi con, con mẹ chịu trách nhiệm bảo vệ và kiếm ăn cho chúng bằng thức ăn nhai sẵn. Con cái dùng cái mỏ dài đẩy côn trùng đã nôn ra vào họng của những con non.[11]

Thực đơn

Chim ruồi họng xanh chủ yếu ăn mật hoa và côn trùng. Là một loài đơn độc, trong mùa hoa nở rộ chúng đôi khi xây những ngôi tổ quanh cây hoa để bảo vệ nguồn thức ăn của mình. Những lúc khác trong năm, chúng thường ăn những hoa mọc thấp dưới đất.[6]

Mật hoa

Chim ruồi họng xanh ăn mật của những loài hoa sặc sỡ mọc trên cây hay bụi. Để có đủ năng lượng, chúng thường chọn những hoa có lượng đường cao như các loài thuộc họ Đậu, Thiến thảo, và Sim.[2][3][11]

Chúng ăn những hoa có dạng ống bằng cách thò cái lưỡi dài vào trong để lấy mật trong khi bay lơ lửng trên bông hoa.[11] Trong quá trình ăn mật, chim ruồi thường xuyên bị phủ trong phấn hoa, qua đó đóng góp vào sự thụ phấn của các loài thực vật, hình thành nên một quan hệ cộng sinh giữa cây hoa và loài chim.[11]

Trong những khu vực gần nơi dân cư, chim ruồi họng xanh cũng lấy thức ăn từ những chỗ cho mật do người dân địa phương lắp đặt.[11]

Côn trùng

Mặc dù mật hoa là nguồn thức ăn chính, nó không cung cấp đủ năng lượng mà chim ruồi họng xanh cần, nhất là trong mùa sinh sản và thời kỳ nuôi con.[11] Do đó, chim ruồi họng xanh cũng ăn các loài chân khớp như ruồi và nhện.

Hót

Mặc dù không phải là tiếng hót thông thường, chim ruồi có thể được nhận dạng thông qua tiếng vo vo từ việc đập cánh. Giống nhiều loài chim khác, chim ruồi họng xanh có nhiều tiếng gọi khác nhau, nhưng thường gặp nhất là một tiếng lách cách rất cao giống như "wi-didididididididididi".[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chim ruồi họng xanh http://beautyofbirds.com/sapphirethroatedhummingbi... http://www.hbw.com/species/sapphire-throated-hummi... http://www.itis.gov/servlet/SingleRpt/SingleRpt?se... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24704078 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29245495 http://www.hummingbirds.net/hainsworth.html http://www.bioone.org/doi/full/10.1676/09-039.1 http://datazone.birdlife.org/species/factsheet/226... http://www.birdlife.org/datazone/species/factsheet... http://www.boldsystems.org/index.php/TaxBrowser_Ta...